PIXEL FACEBOOK trang Dúi giống Dúi thịt TPHCM SCHEMA DÚI GIỐNG TPHCM
Dúi giống - con dúi - Dui giong - bán dúi giống - ban dui giong - bán dúi thịt - ban dui thit Thủ thuật - Download - Thư giản
9/10 1521 bình chọn

Tài Liệu Nuôi Dúi

Tài liệu nuôi con dúi này nhằm mục đích chia sẻ thêm thông tin cho người đọc và người bắt đầu tìm hiểu con dúi có một kiến thức tổng quát cùng với các thông tin thực tế chia sẽ từ người nuôi cũng như những chuyến đi thực tế của Dúi Giống Dúi Thịt TPHCM hy vọng phần nào sẽ giúp cho người nuôi không quá lo lắng khi đầu tư tìm hiểu về con vật này. Sau đây là nội dung của tài liệu

Phụ lục

• Chương 1: Tổng quan về con dúi
  1. Nơi sinh sống (tuổi thọ của con dúi)
  2. Con dúi rừng
  3. Con dúi nuôi
  4. Các loại dúi nuôi hiện nay
  5. Thức ăn của con dúi
  6. Chuồng nuôi dúi
  7. Bệnh của dúi
  8. Kỹ thuật nuôi dúi, kỳ sinh sản của dúi và nuôi con (dúi ăn con, giết con)

• Chương 2: Thông tin chung về thị trường
  1. Giá tổng quan các năm qua
  2. Dúi giá rẻ
  3. Tránh lừa đảo

• Chương 3: Những câu chuyện bên lề
  1. Con dúi rừng
  2. Con dúi nuôi

• Chương 4: Các nơi cung dúi
  1. Miền bắc
  2. Miền trung
  3. Miền nam

• Chương 5: Các câu hỏi thường gặp
  1. Dúi cắn có sao không?
  2. Dúi có uống nước không?
  3. Đầu ra của con dúi như thế nào


Chương 1: Tổng quan về con dúi

Con dúi tên gọi để nhận diện nó cũng khá là khác nhau theo từng vùng miền, có nơi gọi là con cúi lúi, còn có nơi gọi là con chuột núi hay chuột tre, con nu nhưng dù cho tên gọi có nhiều kiểu khác nhau đi chăn nữa thì tên gọi chính của con vật này vẫn là dúi.

Chi tiết hơn một chút về tên gọi của con vật này của người nuôi và mua bán như dúi khi mà được bắt từ trên rừng về để thuần hóa hoặc làm đặc sản thì thì gọi là con dúi rừng còn khi được thuần hóa bởi những người nuôi giàu kinh nghiệm lại có tên là con dúi giống (dúi nuôi) và khi cung cấp ra thị trường làm đặc sản thì được đặt tên là con dúi thịt.

Nghe đến đây bạn có thể hình dung sơ qua về con dúi khi vô tình biết được con vật nuôi này từ các nguồn thông tin khác nhau. Đi sâu hơn một tí về tổng quan vật nuôi này thì để cho bạn hiểu được con dúi là con gì và con dúi sống ở đâu.

Dúi thuộc bộ gặm nhấm ((tên khoa học trên wiki là Rhizomyinae, tiếng anh thường hay gọi là Bamboo Rat (chuột tre)) khá giống với loài chuột nhưng đáng yêu hơn cho nên hiện nay nhiều người còn nuôi con dúi kiểng trong nhà cho đẹp (tùy sở thích mỗi người), ngoài tự nhiên thì con dúi thường sống trong các hang đất sâu từ 3 đến 5 mét vào mùa khô nếu như vào mua mưa thì chúng sẽ sống gần mật đất hơn đặc điểm dễ nhận biết của con này là rang to khỏe.

Răng con dúi gồm 4 cái 2 cái ở hàm trên thì cố định và không mọc dài thêm còn 2 răng dưới của nó thường cử động nhiều để ăn thức ăn và thường hay dài rất nhanh nên nó hay ăn vật cứng để mài răng bạn có thể xem qua hình ảnh con dúi để dễ nhận biết.

1.Nơi sinh sống


  • Dúi thường sinh sống trong rừng thường là ở các nơi có đồi núi cao cùng với nguồn thức ăn dồi dào, ta hay bắt gặp dúi ở trong rừng chúng háy đào hang ở dưới những gốc tre lớn (vì đây là thức ăn khoái khẩu của chúng). Dòng đời của con dúi không lâu, thường thì tuổi thọ của con dúi theo thông tin trên các tài liệu trực tuyến là 4 năm cao nhất là 5 năm.
  • Hay bắt gặp dúi nhiều nhất là ở các vùng núi trên tây bắc vào mùa tháng 7 đến tháng 10 ai có đi tây bắc thì hay thấy người dân tộc hay ra đường rao bán trên đường đi. Miền trung cũng có rất nhiều vì có các dãy núi bao bọc cùng với môi trường sống và ẩn náu của chúng.
  • Ở khu vực miền nam thì ít thấy hầu hết dúi phân bố rộng rãi ở miền trung và miền bắc Việt Nam.

 2. Con dúi rừng

  • Chỉ cần nghe tên gọi thôi thì cũng biết đây là một loài động vật hoang dã, được kể lại thông tin từ những người nuôi giàu kinh nghiệm thì khoảng năm 2003 trở về trước dúi là loài vật quý hiếm nên hạn chế săn bắt, nhưng về sau này từ năm 2005 trở đi thì phong trào nuôi dưỡng động vật hoang dã này nở rộ, khiến cho loài động vật này không còn trên bờ vực nguy hiểm cho nên cũng nhờ các người nuôi có kinh nghiệm mà giờ đây loài vật này có thể phát triển nhiều trở lại.
  • Dúi rừng cũng có nhiều người thử bắt và thuần chủng chúng. Có nhiều trường hợp người nuôi bảo rằng không được dúi rừng sao mà nuôi thuần chủng được nhưng thông tin thật sự thì đã có số nhiều người nuôi thuần chủng dúi rừng thành công và cũng sinh sản tốt mặc dù thời gian đầu hơi gian nan.

3. Con dúi nuôi

  • Dúi nuôi dần dần cũng không còn quá xa lạ nữa đối với người dân, khoảng 10 năm trở lại đây số lượng người tìm hiểu con vật này để nuôi nhằm tăng gia sản xuất, thêm thu nhập cho gia đình cũng ngày một tăng. Cách nuôi con vật này cũng tương đối đơn giản (sẽ được hướng dẫn ở phần kỹ thuật nuôi) đó là lý do tại sao nhiều người lại bắt đầu nuôi con dúi.
  • Thông tin bên lề gần đây cũng đã có nhiều người nuôi ở miền tây cũng đã nuôi thành công con vật này cho nên ý nghĩ con vật này chỉ phù hợp với miền trung và miền bắc là không còn nữa nên do đó người nuôi cũng hãy yên tâm

4. Các loại dúi nuôi hiện nay

  • Dúi mốc lớn – Rhizomys pruinosus: nặng 0,8 – 1.5 kg, dài 25 – 35 cm. Bộ lông thô màu mốc đốm trắng. Dúi mốc sống ở đồi thấp, trên sườn núi đất thoai thoải có nhiều loài thực vật tre, trúc. Sống theo gia đình 3 đến 5 con trong hang tự đào và hầu như không lên khỏi hang. Hang Dúi dài, nhiều ngách. Mọi hoạt động đều diễn ra trong hang.
  • Dúi má đào – Rhizomys sumatrensis (còn gọi là dúi má đỏ hay má vàng, dúi lào): có thể đạt 5 kg trong lượng trung bình đạt từ 2.5kg đến 3.5kg. Lông má hanh đỏ. Thức ăn gồm rễ các loài cây thuộc họ tre,  và một số loài họ mía.  
  • Dúi trắng – loài này rất hiếm và không có một giống dúi trắng cụ thể để sinh sản mà chỉ do loài dúi mốc giao phối với nhau và trong quá trình đó có sự biến đổi gen nên làm cho con dúi có màu trắng (kinh nghiệm từ người nuôi) 
  • Dúi khác: còn một số loại dúi khác được biết đến nhu dúi nâu hay dúi móc nhỏ cũng là loài thuộc họ dúi nhưng không phổ biến nuôi phát triển ở Việt Nam nên người viết không thêm quá nhiều thông tin.

5. Thức ăn của con dúi

  • Dúi rừng trong tự nhiên là loài động vật ăn tạp cho nên ăn rất nhiều các loại thức ăn khác nhau như tre tươi, tre khô, rể cây, củ, quả, thậm chí còn ăn các con khác như giun hay dế để bổ sung thêm chất dinh dưỡng trong thời kỳ dúi mang thai. Một chuyện kể từ người đi săn dúi trên rừng thì nếu như đến các bụi tre nào trong rừng chỉ cần thấy bụi cây đó bị vàng hét hết là biết bên dưới có dúi sống.
  • Dúi nuôi thì đa phần người nuôi sẽ cho ăn tre và mía vì đây là loại thức ăn dễ tìm, thêm vào đó thì bổ sung thêm khoai lang, sắn, hay thậm chí có người nuôi cho ăn cả cỏ vôi (nhiều người nuôi bò chuyển sang nuôi dúi). Lưu ý thông tin ăn cỏ vôi có người nuôi cho rằng sẽ làm cho dúi bị tắt ruột dúi ăn không ị được nhưng theo thông tin từ nhiều người nuôi khác nhau thì cỏ vôi cho ăn vẫn được nhưng liều lượng vừa phải không cho ăn quá nhiều vì xét cho cùng đây cũng là loại thức ăn bổ sung cho dúi chứ chưa phải là thức ăn chính. 

6. Chuồng nuôi dúi

  • Chuồng nuôi kiểu truyền thống người nuôi có thể xây gạch ống bà tô trét vữa xung quanh nhằm tạo dộ trơn cho dúi không trèo ra ngoài được. 
  • Kích thước chung là 60cm vuông và cả chiều cào cũng 60cm (cao hơn càng tốt vì thỉnh thoảng dúi đi phân nhiều không hốt thì nó sẽ gom lại một đống và đôi khi dựa vào đó mà tẩu thoát). Và chuồng nuôi nên che đây cho mát mẻ (dúi rất ưa mát nóng dúi không chịu được). Hoặc trong ô chuồng 60cm vuông đó bạn có thể ngăn làm 2 chia đôi diện tích chuồng thêm để xây cho dúi một ô đẻ để dúi tiện đi qua đi lại và một bên lấy vật dụng đậy kín lại để dúi sinh sản không phải sợ ảnh hưởng đến con con như hình bên dưới.
  • Theo như hình bên trên thì bạn cũng có thể tiết kiệm chi phí hơn với việc xây chuồng dúi bằng 4 tấm gạch men gép lại thành ô vuông để nuôi thì kích thướng cũng giống nhau.
  • Chuồng dúi kiểu tủ thuốc bắc kiểu chuồng này thì ít phổ biến hơn đa phần chỉ sử dụng cho các nơi nào có diện tích xây ít như nhà ở, nhà phố còn đối với người nuôi đã có sẵn diện tích thì lựa chọn kiểu chuồng truyền thống là tốt nhất về lâu về dài. Đặc điểm không được ưa chuộng của chuồng tủ thuốc bắc là dọn dẹp chuồng khó và rất ít thấy dúi ra ngoài sinh hoạt (tâm lý người nuôi thích thấy dúi ra ngoài sinh hoạt di chuyển)

7. Bệnh của dúi

Chấn thương cơ học có ổ mủ: 

  • Nguyên nhân và biểu hiện bệnh: Các ổ ủ được tích tụ dưới da, với những biểu hiện điển hình của ổ viêm. Vết thương sẽ sưng to từ 5-7 ngày, sau đó lớp da trên vùng viêm sẽ mỏng dần. Một số trường hợp da sẽ vỡ và tạo mủ chảy ra bên ngoài. Phần lớn da sẽ không vỡ, do da dúi rất dày và tạo những khó chịu cho dúi trong hoạt động, vệ sinh và ăn uống. Dúi sẽ bỏ ăn hoặc ăn ít. Khi sờ tay chúng ta vào sẽ thấy khối u sưng to và viêm tích dịch. Trong quá trình nuôi nhốt, dúi sẽ tăng cường hoạt động như trong điều kiện hoang dã dễ dàng tạo điều kiện xây xát, các thức ăn nhọn như mía, rễ tre có thể cũng là nguyên nhân gây chấn thương và viêm nhiễm. 
  • Cách điều trị: Để cho ổ mủ sưng to, vỡ tự nhiên, rồi thực hiện các bước: sát trùng ổ mủ bị vỡ bằng iodine, nặn hết mủ, sát trùng lại bằng cồn-iodine bên ngoài ổ mủ, rắc thuốc sulfamide. Trong trường hợp dúi bỏ ăn, giảm hoạt động, nghi ngờ có sự viêm nhiễm có thể dùng nhóm gentamycine tiêm bắp với liều 4 mg/kg trọng lượng. Đồng thời, tiến hành làm vệ sinh như trên hàng ngày cho tới khi hết bệnh.

Ký sinh trùng trên da dúi

  • Điều trị: Sát trùng chuồng trại 2 lần/tháng sử dụng: Hantox và dùng ivermec để điều trị (nhỏ invermec dọc sống lưng 1 lần/tuần, trong 2 tuần).)
  • Phòng bệnh: Bệnh ký sinh trùng dễ điều trị, sau thời gian điều trị 1 tuần đến 1 tháng thì bệnh đã hết. Bệnh gây ngứa và giảm tăng trọng trên dúi và đặc biệt là lây lan cho các con khác trong đàn vì vậy cần kiểm tra kỹ dúi mới nhập về, sát trùng chuồng trại trước khi nhập giống, cách ly dúi mới nhập về với dúi trong đàn, cũng như kiểm tra và sát trùng chuồng trại định kỳ, sau 1 tháng nuôi cách ly và theo dõi ổn định mới tiến hành nhập đàn hoặc ghép đôi sinh sản.

Dúi bị đau mắt

  • Phòng bệnh: dọn chuồng trại tuần 2 lần để tránh các vi khuẩn gây bênh sinh sôi phát tán trong không khí làm ảnh hưởng đến mắt con dúi, chuồng trại nên để không gian tối hạn chế ánh sáng trực tiếp vào con dúi đặc biệt vào mắt dúi.
  • Điều trị:  trong trường hợp nhẹ, nhỏ nước muối sinh lý cho dúi: 2 lần/ ngày, các trường hợp nặng hơn, nhỏ thuốc Efticol Natri clorid 0,9%, 3 lần/ngày cho đến khi dúi khỏi hẳn. Bệnh về mắt thường gặp trong thời gian đầu khi dúi mới nhập về nuôi do chưa nắm rõ kỹ thuật nuôi và chuồng trại để lâu ngày không quét dọn làm không gian trong chuồng có nhiều vi khuẩn cũng có thể làm ảnh hưởng đến mắt con dúi, cộng tiếp xúc với ánh sáng trực tiếp vào mắt nhiều dẫn đến bệnh, sau khi tìm hiều và biết nguyên nhân gây bệnh, nhiều người nuôi đã hạn chế cho dúi tiếp xúc với ánh sáng, vì vậy bệnh về mắt không còn xuất hiện trong thời gian nghiên cứu sau này.

Dúi bị tiêu chảy

  • Phòng bệnh: trường hợp này rất khó chữa trị thường kinh nghiệm người nuôi hay khuyên rằng không nên cho dúi ăn các loài đồ đã cũ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa đặc biệt là mía đã chuyển sang màu đỏ thường thì để không quá 2 ngày nếu dúi ăn chưa hết thì nên bỏ phần thức ăn đó thay phần mới.
  • Điều trị: kinh nghiệm người nuôi cho biết hay pha một ít thuốc Smecta cho người uống liệu lượng thật ít pha vào nước cho dúi uống, hay một số trường hợp người nuôi khi thấy dúi bị tiêu chảy chỉ cho dúi ăn tre không cho ăn mía nhiều trường hợp khỏi bệnh người nuôi nói trong tre có chất cho dúi trị bênh tiêu chảy.
  • LƯU Ý: các căn bệnh nêu bên trên là các căng bệnh thường gặp nhất ở dúi ngoài ra còn những loại bệnh khác nhưng rất ít gặp phải như dúi tự động bỏ ăn, hay đang bình thường bỗng dung lăn ra chết những căn bệnh này rất hiếm găp cho nên trong quá trình tìm hiểu chúng tôi cũng không đào sâu quá nhiều thông tin.

8. Kỹ thuật nuôi dúi, kỳ sinh sản của dúi

Thông tin về kỹ thuật chăn nuôi dựa trên khảo sát của các trại nuôi dúi đúc kết được kinh nghiệm và chia sẽ lại.

Chuồng nuôi dúi sinh sản

  • Điều cần chú ý là phải phân chuồng ra theo từng ô nhỏ (đối với chuồng nuôi dúi kiểu truyền thống) với kích thước tối thiểu 50x50cm vuông để thả dúi theo từng cặp đực cái và dễ dàng kiểm soát thời điểm giao phối (có nhiều người nuôi lần đầu tiên nuôi thì thích nuôi 1 chuồng 1 còn đực và nhiều con cái theo tôi quan niệm này cũng không sai nhưng nó khó quan sát được con cái nào đã chịu đực giao phối cho nên chúng tôi khuyến khích nên nuôi 1 con đực 1 con cái).
  • Chuồng nuôi dúi cái đẻ sau giao phối thì nên tạo một cái hang (bằng gạch men, gạch ống)  để cho dúi cái vào đó sinh sản và ẩn náu tránh dúi sợ cắn chết con con. Đặc biệt LƯU Ý dúi nuôi mới bắt về chưa kịp làm quen chuồng hay cắn chết con của mình hay là đẻ ra sợ quá không cho con con bú chạy qua chạy lại giẵm chết con nêu mọi người chú ý cách xây chuồng nuôi nơi yên tĩnh để tránh những trường hợp đáng tiếc này.
  • Thời gian phối giống tốt nhất nên nhốt dúi cái chung dúi đực cho đến khi nào 2 con tự động nằm xa nhau hay con cái dí cắn con đực, hay con cái bụng to lên thì dúi đã phối thành công đây cũng là 1 cách nữa để nhận biết dúi mang thai. Ta có thể tách dúi đực ra và để con cái lại sinh sản đực đem đi giao phối cho con cái khác (LƯU Ý người nuôi có nhiều người nuôi thấy con đực giao phối với con cái 1 lần và bắt ra đem đực qua giao phối chuồng khác điều này không nên bạn nên để tiếp tục cho con dúi đực giao phối với con cái đó vài ngày nữa mới chắc ăn.)

Cách chọn dúi giống đực cái

  • Cách bắt con dúi thì thông thường có 2 cách bắt chính là nắm đuôi con dúi lên thì lúc này dúi không thể quay lên để cắn chúng ta được, cách thứ 2 là chụp ngay phần cổ con dúi CHÚ Ý cách bắt khá nguy hiểm vì bạn không chụp chắc tay thì sẽ bị con dúi quay lại cắn vào tay ngay.
  • Dúi giống đực thì rất dễ nhận biết khi cằm đuôi dúi lên sẽ thấy 2 hòn dái to tròn, tay chân cứng cáp, mắt sáng nhìn nhanh nhẹn linh hoạt
  • Dúi giống cái thì có hai hàng vú 2 bên bụng  và gần nách 2 chân trước cũng có 2 vú nhỏ ở đó phần này phải vạch kỹ mới thấy.

Dúi động dục

  • Từ lúc đẻ ra đến khi dúi cái động đực lần đầu là 6 tháng, tới khi dúi cái đẻ được là 7 tháng tuổi. Nếu nuôi sinh sản trọng lượng khoảng 0,8 – 1.0 kg dúi đã sinh sản được. Thường thì dúi đực sẽ đến kỳ giao phối nhanh hơn dúi cái.
  • Dúi cái động dục có biểu hiện sục sạo tìm đực hay đứng lên bằng 2 chân, bộ phận sinh dục có màu hồng và khi ta lấy tay sờ vào có những con tiết ra chất nhờn ướt ướt.
  • Bắt dúi đực bỏ sang ô dúi cái, dúi đực phát ra tiếng gọi đực đặc trưng (ục ục ục) và ủi con cái cho đến khi con cái chịu thì thôi. Cũng có trường hợp dúi cái động dục thường chủ động tiến lên phía trước mặt dúi đực dùi đít vào trước mặt dúi đực để được giao phối, đây là đặc điểm dễ nhận biết nhất đối với người mới chăn nuôi dúi lần đầu.

Cách thả đực cái vào cùng chuồng

  • Khi thả ghép đôi thả dúi cái từ từ ở góc xa với dúi đực để tránh cắn nhau. Đồng thời quan sát dúi không cắn nhau thì tốt, nếu cắn nhau thì thay con khác. Cũng có trường hợp dúi cái động dục khi ghép đôi vẫn đẩy nhau ra kịch liệt, như kiểu không thể ở với nhau được, nhưng chỉ một lúc là chúng lại thân thiện và giao phối luôn. 
  • Giao phối: Dúi đực và dúi cái giao phối liên tục cường độ từ 1,5 – 2 phút lại một lần giao phối. Khi giao phối dúi cái thường cong đuôi lên. Khi giao phối xong cả 2 con đều cúi xuống liếm bộ phận sinh dục thì pha giao phối đó có kết quả, còn nếu chỉ có con đực cúi xuống niếm bộ phận sinh dục thì pha giao phối đó không có kết quả.
  • Đến ngày thứ 2 hoặc thứ 3 khi đã giao phối thành công thì tách dúi cái lên ô tổ đẻ, để dúi đực nghỉ ngơi 3 – 5 ngày tiếp tục cho giao phối dúi cái khác.
  • MẸO: Trường hợp không biết ngày dúi cái động dục ngày nào thì có thể bắt dúi cái lần lượt luân chuyển bỏ vào ô dúi đực con nào động dục thì nó tự cặp luôn với dúi đực, con nào không động dục, dúi đực đòi giao phối là dúi cái đẩy ra. Thường xuyên thay đổi dúi cái với dúi đực để có sự mới lạ.
  • Thời gian dúi có thai đến lúc sinh con: Từ ngày phối giống thành công đến ngày đẻ là 45 ngày (mang thai 45 ngày có thể lâu hơn đến 60 ngày).

Dúi con

  • Dúi con mới đẻ ra có màu đỏ, không có lông, chưa mở mắt, đủ 25 ngày thì dúi mở mắt và long của dúi con sẽ bắt đầu mọc sau 3-5 ngày sau khi đẻ. Ở cùng dúi mẹ và được dúi mẹ chăm sóc một thời gian thì đến 30-45 ngày là dúi con ăn được vật cứng như mía và tre, đủ 45 ngày thì có thể tách con khỏi mẹ (nếu không tách mẹ cứ để mẹ nuôi con thì dúi mẹ nuôi con 3 đến 4 tháng).
  • Khi đẻ ra dúi con thường kêu chí chí, khi bú mẹ thường nằm ngửa lên bú mẹ, 4 chân chới với lên trên, kêu chi chí.
  • Trường hợp dúi mẹ đẻ trong tổ đẻ không có lá hoặc rơm làm tổ thì ta bổ xung lá mềm (vò ra cho mềm) bỏ vào trong tổ dúi mẹ dùng lá đó làm tổ nuôi con.

Vệ sinh chuồng dúi

  • Chuồng trại nên xây ở nơi thoáng mát tránh nóng và ánh sáng mặt trời trực tiếp vào khu vực sinh sống của dúi và ít tiếng ồn
  • Khi thấy dúi ị nhiều thì nên hốt chuồng nhưng lưu ý đừng nên hốt quá sạch cứ để lại 1 ít phân để dúi có đi tè thì sẽ thấm vào phần phân đó và giảm mùi khó chịu cho chuồng dúi.

Chương 2: Thông tin chung về thị trường dúi

1. Giá tổng quan các năm qua.

  • Dúi giống: dúi giống qua các năm cập nhật thông tin từ các chủ trang trại thì giá dúi vẫn đứng giá không có dấu hiệu tăng giá khiến cho người mua lo âu và cũng không có giảm giá làm cho người nuôi sợ hãi giá khảo sát trong các năm qua cũng giao động từ trên dưới 1tr đồng/ 1 cặp không quá đắc đỏ.
  • Dúi thịt: là loại dúi mà người nuôi khi nuôi nhiều quá họ xuất bán cho các quán ăn nhà hàng những con lớn tuổi hay là những con đực quá nhiều họ sẽ bán bớt đi để gây đàn tiếp tục. Dúi thịt giá thì chênh lệch cũng khá nhiều cho nên nếu bạn muốn đầu tư vào loại hình dúi thịt nên hỏi thông tin giá của các trại trước xem có liên kết thu mua hộ hay không, còn nếu bạn có đầu ra sẵn cho con dúi này thì quá tốt.

2. Dúi giá rẻ

Câu hỏi đầu tiên giá dúi trên thị trường như vậy vì sao lại có dúi giá rẻ và dưới đây chúng tôi sẽ lý giải thông tin này:
  • Dúi giống: thông thường người mới bắt đầu tìm hiểu để nuôi con dúi điều trước tiên họ hay thực hiện là điện thoại nhiều nơi bán khác nhau và tìm nới nào rẻ nhất sẽ bắt đầu quan tâm đến. Giá rẻ thường sẽ được chú ý nhưng thật sự về dúi giống vì sao có giá rẻ là bới vì người nuôi hay bán giá của con dúi trong các thời kỳ lớn nhất định. Ví dụ: Dúi trưởng thành bán giá cao nhất mình lấy giá tham khảo là 1.6tr/cặp đến thời kỳ sinh sản từ 7 đến 8 tháng tuổi, còn nếu bạn muốn giá rẻ hơn thì người bán có thể bán cho bạn dúi nhỏ tháng hơn tùy theo nhu cầu của người mua nuôi và có phù hợp với túi tiền hiện có của họ hay không.
  • Dúi thịt: còn đối với dúi thịt (còn gọi là dúi thương phẩm) giá rẻ hay mắc cò phụ thuộc vào thị trường nếu như lúc nào ít người mua thì người bán có thể giảm giá chút đỉnh để thu hút người mua, ngược lại nếu thị trường quá hút hàng vào các dịp lễ tết thì người bán cũng tăng nhẹ lên 3-5% cũng để có thêm thu nhập. Còn một loại hình nữa làm cho dúi có giá rẻ đôi khi còn rẻ hơn cả giá đang bán trên thị trường là do dúi này là dúi đông lạnh chưa tìm được lý do tại sao lại có loại hình này xuất hiện trên thị trường, nhưng nếu bạn muốn sử dụng chúng tôi khuyên nên tìm hiểu kỹ lưởng rồi quyết định sử dụng vì cái gì tươi sống cũng tốt và an toàn hơn.

3. Tránh lừa đảo

CẢNH BÁO: Thời gian gần đây có một số cá nhân đã lợi dụng sự hiểu biết chưa rõ của người mua hàng để trục lời nhằm mục đích lừa đảo trường hợp cụ thể như sau:
  • Các đối tượng này hay sử dụng hoặc tạo các tài khoản trên mạng để nhằm thu hút người tìm hiểu về liên hệ. Khi trao đổi giá cả xong (thường thì giá rẻ hơn nhiều so với người bán chân chính) đối tượng này kêu người mua chuyển khoản ngân hàng và lấy lý do là xa xôi, và dằn cọc để chuyển hàng đến do có xe chạy tuyến Bắc-Nam, vì nhiều lần gửi mà người nhận không ra lấy là thất thoát, hư hao hàng nêu bắt người mua chuyển cọc hoặc thanh toán hết. Sau khi người mua chuyển tiền liên hệ lại thì các đối tượng này tìm các lẫn tránh bằng cách nói tiền chưa đến để chờ xem có rồi báo, và vài lần sau đó người mua liên hệ lại sẽ không bắt máy và tiền mất và không có hàng.
  • Do đó nếu bạn có nhu cầu tìm hiểu và mua con dúi tốt nhất hãy đến tận nơi tìm hiểu hay để người bán đem tới tận nơi cho bạn còn nếu không đừng nên chuyển tiền đi một cách vô cớ.

Chương 3: Những câu chuyện bên lề

1. Câu chuyện về con dúi rừng

  • Tôi còn nhớ lúc nuôi dúi cũng được 1 năm thì, có một khách hàng của tôi trên Tây Ninh và anh có lời mời tôi là có dịp lên Tây Ninh thì ghé qua nhà anh để anh dẫn đi bắt con dúi rừng cho biết như thế nào. Sau lời mời đó của anh thì 1 tuần sau tôi cũng ráng sắp xếp công việc của mình lên Tây Ninh một chuyến để cùng anh đi bắt dúi rừng.
  • Hôm đó buổi sáng tôi từ TPHCM chạy ra Tây Ninh cũng gần 2 tiếng đến nhà anh thì anh cũng rất là nhiệt tình và ngồi nói chuyện vui cùng anh và anh cũng cho biết một số đặc tính cơ bản của dúi rừng cho tôi biết là thông thường con dúi rừng đi ăn vào ban đêm và ngủ nhiều vào ban ngày trong hang, và thơi gian đi kiếm ăn của nó vào khoảng 9-10 giờ tối và đi kiếm ăn suốt đến khoảng 4-5 giờ sáng quay trờ lại hang của nó. 
  • Thức ăn trong rừng của dúi khá là đa dạng khác với những thức ăn của các con dúi giống nuôi tại nhà chi đa số tre và mía, thức ăn trong rừng của dúi thường là các loại củ mà dúi đào được, thậm chí dúi rừng còn ăn cả giun và các con vật nhỏ khách như dế, gián (nếu như nó may mắn bắt được) và thường hay làm hang khá sâu từ 3-5m, vào mùa mưa trời mát mẻ dúi hay đào hang không quá sâu, còn vào mùa nắng vì trời nóng và đặc biệt dúi chịu nóng rất kém cho nên hay thường đào hang rất sâu để tranh nóng. 
  • Ngoài ra thêm một thông vui nữa anh chia sẽ trong buôi nói chuyện là có lần anh đào vào hang dúi không biết lúc đó may mắn sao có cả dúi bố và dúi mẹ cùng 3 con con anh nói trường hợp này khá là ít vì đến khi đẻ thường dúi cái hay đuổi dúi đực đi và đẻ một mình nuôi con (nghe đến đây tôi đang rất hào hứng để được anh dắt đi). 
  • Lúc 11h trưa tôi và anh cùng vài người bạn của anh đi vào rừng tìm dúi, tôi nghĩ trong đầu không biết tìm thế nào không biết có giống hang chuột không, anh nói “để ý hang và nghe xem có tiếng dúi ăn trong trong đó hay không” tôi cùng nhóm đi đến gần bụi tre lúc đó thấy được 1 cái hang và tôi chăm chú lắng nghe xem có tiếng ăn của nó bên trong không thì may thay nghe thấy tiếng dúi cạp tre. 
  • Rất vui và lúc đó cả nhóm xắn tay vào đào hì hục hang khá là sâu và lúc đó là mùa khô, cũng 3 mét hơn mới đến nơi con dúi đang trốn vui mừng vì có 2 con. 
  • Lúc đó rất mừng nhưng không biết làm sao bắt được nó vì nó cố thủ trong hang và cứ cắng răng nào nhau nghe rất ghê và bị nó cắng một cái là toi cho nên dụ dụ lấy cây chọt chọt và rồi cũng bắt được nó ra. Cả đoàn rất vui mừng và trở về nhà và cả bọn làm tiệc ăn mừng rất vui. Và tôi quay về nhà trong ngày hôm đó.

2. Câu chuyện về con dúi nuôi

  • Bài viết này kể về một trải niệm của bản thân tôi khi có một chuyến đi từ TPHCM về Bến Tre để thu mua dúi cho một hộ gia đình đã nuôi dúi được 2 năm và bắt đầu có thành công nhất định về việc nuôi dúi giống, dúi thịt và phát triển đàn dúi mà chưa có đầu ra ổn định liện hệ cho tôi và nhờ thu mua giúp.
  • Trước ngày tôi có chuyến đi ấy thì trước đó có một người thanh niên (tên gọi là Nam) cũng liên hệ cho tôi trước tiên là cũng tham khảo giá thị trường hiện tại ra sao và bạn này cũng nói chia sẽ những tâm sự của Nam cho tôi và biết được 1 điều là ở nhà Nam hiện tại cũng nuôi thành công chuồng dúi trên dưới 100 con dúi giống và đâu đó dúi thịt cũng gần 30 con. Nghe vậy lúc đầu tôi cũng chưa thật sự tin lắm nhưng A cũng chụp hình chuồng trại cho xem thì cũng rất là ổn nên tôi quyết định đi về Bến Tre một chuyến tôi nghĩ đây như là 1 chuyến đi chơi vậy vì lâu rồi chưa được đi Bến Tre sẵn 1 công 2 việc luôn.
  • Sáng hôm đó tôi nhớ là ngày Chủ Nhật, tôi khởi hành từ TPHCM đi lúc 6h00 sáng dự định đi sớm cho trời mát tận hưởng được nhiều hơn chuyến hành trình của mình, và cũng không quên 1 điều rằng liên hệ với Nam dưới Bến Tre tiện thể mua giúp đặt mua vài cái lồng chuột để đựng con dúi trên đường vận chuyển.
  • Sau gần 2 tiếng 30 phút chạy xe máy thì cuối cùng tôi cũng đến được trại dúi của bạn ấy. Chuồng dúi khá rộng, tôi rất là háo hức vừa tắt máy xe, đá chóng xuống là đã nghe từ xe tiếng của con dúi đang ăn tre nghe rất là quen tai (Xoạt xoạt). Tôi liền bảo Nam dắt tôi vào chuồng dúi để xem và tham quan ngay.
  • Vào bên trong chuồng trước tiên cảm nhận là chuồng dúi khá là tối vì động vật gặm nhấm rất ít khi tiếp xúc trực tiếp với anh sáng ban ngày, hơn nữa mắt dúi khá yếu cho nên ánh sáng chiếu vào nhiều quá sẽ làm dúi bị bệnh đau mắt. 
  • Cảm nhận tiếp theo là chuồng dúi không hề hôi hay có mùi khó chịu như chuột, và cũng có một ít muỗi bay vo ve xung quanh vì không gian khá tối. Tôi bảo muốn xem mấy con dúi có tốt không, Nam liền lấy đèn pin bật sáng dắt tôi vào xem. 
  • Mô hình chuồng của Nam đang nuôi thì hiện tại xây gần giống như chuồng heo ngăn nhỏ ra mỗi ô vào khoảng 50cm vuông và cao khoảng 70cm vuông ở trên chuồng còn có cả 1 giàn lưới sắt che lại, tôi lấy làm lạ liền hỏi thì Nam chia sẻ “Hôm trước có mấy con đùa phân lên thành đống rồi trốn thoát cho nên nhà phải đậy lại”. Tôi đi hết 1 vòng tham quan chuồng thì ước tính được trại đang nuôi khoảng 100 con dúi tính cả dúi giống lẫn dúi thịt. Nam với tôi rằng lúc đầu nuôi thì nhà cũng không biết nhiều về con dúi này, và được một người quen ở trên Bảo Lộc cho mang về nuôi lúc đầu cũng không phải là dúi nuôi mà là dúi rừng về thuần chủng được khoảng 4 -5 tháng thì nó đẻ lứa đầu được khoảng 2 con con và gia đình thấy thế thích và nuôi đến thời điểm hiện tại.
  • Nhà Nam nuôi thì cũng được 2 năm cũng trải qua nhiều cung bật cảm xúc khác nhau khi nuôi con vật này, Nam kể có lần chuồng còn nhỏ chưa có mở rộng lúc đó nhốt chung nhiều con dúi lớn với nhau chờ xây chuồng mới thì 1 đêm tới sáng ra thăm chuồng dúi thì thấy bọn nó cắn nhau con đến chết hết 4 con và sau lần đó nhà Nam rút kinh nghiệm hạn chế nhốt chung 1 lần quá nhiều dúi.
  • Một kinh nghiệm xương máu nữa là lúc dúi cái sinh sản không biết lúc đầu thấy thích quá nên hay ra mở chuồng ra xem thì làm con dúi mẹ sợ và nó đạp chết con cho nên ba Nam nói dúi đẻ từ 3 -5 ngày đừng làm động đến dúi cái.
  • Nhà Nam rất là mến khách buổi trưa còn mời tôi lại để ăn cơm trưa với gia đình. Trong buổi cơm ngồi ăn tâm sự thì được biết là nhà Nam là nhà có truyền thống gần 20 năm làm nghề nuôi ong để lấy mật ong nguyên chất, về sau khi được người quen cho dúi rừng về nuôi thành công cho nên phát triển thêm nghề nuôi dúi là nghề tay trái của gia đình và nó cũng mang lại giá trị kinh tế cao.
  • Sau buổi cơm thân mật ấy đến khoảng 14 giờ chiều tôi mua vài cặp dúi giống và về lại TPHCM chuyến đi này thật sự rất bổ ích và biết được thêm nhiều kinh nghiệm chia sẻ từ người nuôi dúi.

Chương 4: Nơi cung cấp dúi

Sau đây là một số nơi bán mua bán dúi giống, dúi thịt đề xuất cho người mua:

Mua dúi giống dúi thịt ở tphcm (Củ Chi), Đồng Nai, Bình Dương, miền nam, miền tây, Cần Thơ, An Giang
  • Trại dúi Mai Quan (TPHCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai) (0961 248 195)
  • Trai dúi anh Khôi (Đồng Nai)
  • Trại dúi Thanh Long (Thủ Đức)

Mua dúi giống dúi thịt ở Hà Nội, miền bắc, Hải Phòng, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thái Nguyên
  • Trại dúi Triệu Sơn ở Triệu Sơn, Thanh Hóa
  • Trại dúi anh Phương ở Tam Hồng, Yên Lạc, Vĩnh Phúc
  • Trang trại dúi giống Bác Quỳ ở Thanh Sơn, Phú Thọ

Mua dúi giống dúi thịt ở Quảng Nam, Đà Nẵng, miền trung, Khánh Hòa
  • Đang cập nhật …

Mua dúi giống dúi thịt ở Tây Nguyên, Daklak, Đà Lạt, Bảo Lộc
  • Trại dúi Trường Sơn.

Chương 5: Các câu hỏi thường gặp

1. Dúi cắn có sao không

2. Dúi có uống nước không

3. Đầu ra cho con dúi như thế nào

Nguồn:

Mọi thông tin thắc mắc về nội dung hay tìm nơi cung cấp vui lòng liên hệ cho chúng tôi qua:
- Tên: Tuấn Quang
- SĐT: 0961 248 195